TT - Ông tiến sĩ sau khi du học “hết trơn sách vở thiên hạ” nay lại trở về xoay quanh việc nghiên cứu ruồi.
Và từ đàn ruồi ấy, anh cho ra những công thức trồng
trọt, bón phân, chăm sóc cây ăn quả để “bà con mình yên tâm đem trái cây
ra chợ quốc tế bán bán buôn buôn”. Nguyễn Văn Hòa lớn lên từ đồng
ruộng, anh hiểu người nông dân cần gì...
Từ con ruồi tới cái... toa lét
Thời gian này, lần đầu tiên những người nông dân ở thôn
Đằng Thành (Mương Mán, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được nghe nói tới một
thứ tiêu chuẩn châu Âu mang tên GAP dành riêng cho trái nhập khẩu vào
những nước này. Họ chưng hửng khi thấy có nhiều điều lạ quá so với những
gì phải làm khi xuất khẩu trái cây qua Hong Kong, Thái Lan, Trung Quốc,
Đài Loan...
Những người nông dân này không hề biết câu chuyện chỉ
một cái trứng ruồi trên trái xoài xuất khẩu qua một nước thứ ba cũng có
thể là cửa ngõ xuất hiện một loài côn trùng lạ đưa đến việc “cấm cửa”
vĩnh viễn các loài trái cây của một quốc gia.
Ngoài cái trứng ruồi, còn hàng trăm thứ hiểm họa tiềm
ẩn từ tập quán trồng trọt, thu hoạch... lâu đời và lạc hậu của người làm
vườn. Nó có thể nằm đâu đó trong đống phân chuồng xử lý chưa đến nơi
đến chốn hay trong một hành vi tự phát tùy tiện: thấy có sâu thì cứ phun
vãi thuốc trừ sâu độc hại bất kể trái đã tới ngày thu hoạch.
Những người nông dân Đằng Thành được khuyến cáo rằng
nếu vườn thanh long của cả thôn này muốn xuất khẩu sang châu Âu thì mọi
người phải chấp nhận một qui trình sản xuất hoàn toàn khép kín từ khâu
đầu đến khâu cuối cùng.
Phải thay đổi toàn bộ quá trình xử lý phân chuồng, vệ
sinh thực phẩm, hạn chế dùng thuốc trừ sâu bằng việc áp dụng phương pháp
phòng trừ dịch hại tổng hợp... Tất cả các khâu phải được cộng đồng theo
dõi chặt chẽ và qui trình này sẽ được các chuyên gia thuê từ nước ngoài
giám sát. Việc thành bại sẽ phụ thuộc những yếu tố đôi khi rất nhỏ. Chỉ
cần một chuyên gia vờ như vô tình hỏi nhỏ: “Đi toa lét chỗ nào?”. Nông
dân mà đưa họ cái cuốc biểu cầm ra sau vườn thì cầm chắc mô hình bị phá
sản bởi thiếu cái nhà... vệ sinh.
“Thôi, khó quá, mà tại sao mình phải làm?”. Bà con hỏi
Hòa như vậy và anh phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất. Rằng mai mốt
cây trái trong vườn mình sẽ đi ra thế giới lớn hơn, bán được cao giá gấp
nhiều lần.
“Nhưng ở đó người ta sẽ đòi hỏi nó phải sạch tới từng
centimet vuông ở ngoài vỏ trái. Không như bây giờ mình xuất cái gì qua
Trung Quốc cũng được, xuất nhiều họ lấy nhiều rồi, tới ngày họ không
thích lấy nữa, trái cây đem đổ ngoài đường. Người châu Âu khó tính
nhhưng nếu tạo được uy tín, trái cây mình “ăn chắc mặc bền” và giá cao
hơn là cái chắc...”.
Và anh vạch ra ngay cái tương lai đáng sợ: “Mai mốt gia
nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Nhà nước mình phải mở cửa cho trái
cây xứ khác đổ về, nó ngon hơn, sạch hơn thì bà con có nước khoanh tay
chịu chết mà thôi. Giờ mình xúm vô, mỗi người coi sóc cho nhau, vườn này
nhắc nhở vườn nọ phải theo GAP thì mới hổng bị muộn màng...”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nói với họ mà cũng là nói với
chính mình. Đây là mô hình “Hợp tác xã thanh long sạch” lần đầu tiên
được hình thành ở Bình Thuận. Khác với các HTX khác, mô hình này tuân
thủ theo tiêu chuẩn GAP của châu Âu từ khâu chọn giống, qui trình chăm
bón, tiêu chuẩn dinh dưỡng... và sẽ được các chuyên gia nước ngoài giám
sát trước khi “đóng dấu xác nhận đạt chuẩn”. HTX thanh long này sẽ là
một chuẩn mực phải thành công trước 2010 để nhân rộng ra sau đó, bởi
chậm một tí miệt vườn sẽ “thúc thủ”, nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ
“chết là chắc rồi!”.
Trong
một phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam có hai đàn
ruồi được các chuyên gia từ New Zealand sang nuôi. Nhiệm vụ của chúng
là đẻ trứng vào những trái xoài để các nhà khoa học nghiên cứu cách tiêu
diệt ấu trùng và mở đường cho trái cây miền Nam xuất khẩu sang những
thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Đó là một trong nhiều dự án mà tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa
và đồng nghiệp đang thầm lặng thực hiện tại nơi này. Năm 2003, anh rời
trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp lớn nhất Nam Á (Viện Nghiên cứu nông
nghiệp toàn Ấn) để trở về với công việc “hiện đại hóa” miệt vườn.
|
Thời gian của Hòa bây giờ là buổi sáng có thể tới một
điểm thuyết trình nào đó để giới thiệu cơ chế của sản phẩm sofri
protein, một chế phẩm diệt ruồi đục trái mà những nhà khoa học của Viện
Nghiên cứu cây ăn quả đã lao tâm khổ tứ làm ra được. Anh sẽ tới chỉ cho
bà con coi hình dạng con ruồi đục trái, nói rõ qui trình sống của nó ra
sao, tại sao mình chỉ xịt thuốc có chừng nửa mét vuông trong khu vườn
thì cả đám ruồi phải bị tiêu diệt...
Rồi Hòa hướng dẫn nông dân làm thí điểm phun xịt trong
vườn để tự họ rút kinh nghiệm và nhân rộng ra với nhau. Buổi trưa, anh
có thể ôm máy điện thoại hàng tiếng đồng hồ chỉ để trả lời một nông dân
về bệnh thán thư trên cây thanh long, bệnh “chổi rồng” trên cây nhãn...
Buổi tối, tiến sĩ Hòa lại ngồi trước ống kính truyền
hình trực tiếp thông báo tình hình sâu bệnh, những diễn tiến thuận lợi,
bất lợi của thời tiết, môi trường ảnh hưởng tới sâu bệnh hoặc từng loại
sâu bệnh trong khu vườn nhà nông...
Cứ vậy, không biết từ lúc nào đã biến mất những e dè
của hồi mới quảy giỏ từ New Delhi trở về, không biết mình sẽ thích nghi
như thế nào với thời gian sáu năm đi học bên ngoài. Nhưng rồi công việc
cứ cuốn lấy anh, anh thì cứ lao vào, tự dưng thấy nó trôi chảy lúc nào
không biết nữa.
“Ba má tôi là nông dân ở vùng cam sành Tam Bình, Vĩnh
Long. Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh ruộng vườn cây. Hồi đó tôi đi học
sớm, 16 tuổi đã thi đại học. Năm học lớp 11, trong nhà một đứa cháu bị
bệnh sốt xuất huyết nhưng ở vùng sâu nên không cứu kịp. Gửi gắm của ba
má tôi là đi học ngành y làm bác sĩ giúp đỡ con cháu sau này. Năm đó thi
vào ngành y không đủ điểm đậu nhưng tôi lại đủ điểm vào ngành nông
nghiệp.
ĐH Cần Thơ gửi giấy triệu tập ngành trồng trọt. Tôi
ngần ngừ. Người anh kế khuyên thôi thì đi học ngành gì cũng giúp đỡ quê
mình được. Vậy là đi học. Ra trường, tôi xin ở lại Trung tâm Nghiên cứu
phát triển hệ thống canh tác (do tiến sĩ Võ Tòng Xuân làm giám đốc). Bắt
đầu sưu tập các giống lúa mùa, đậu... ở địa phương cho đến năm 1994
Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả được thành lập. Đó là một lĩnh vực hoàn
toàn mới và tôi về đó chứ chưa hình dung rõ mình sẽ làm được gì” - Hòa
thong thả kể về con đường của mình.
Cơ hội đến khi năm 1997 anh nhận được học bổng đi học
thạc sĩ về bệnh hại cây trồng. Hai năm sau, Hòa đủ điểm để lại làm
nghiên cứu sinh tiến sĩ và bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp về virus
bệnh học - những thứ “hàng xa xỉ” rất cần cho vùng cây ăn trái quê nhà ở
thời hội nhập.
Rất nhiều cái cần, nhiều cái thuộc chiều sâu nghiên cứu
nhưng sự lựa chọn của thực tế lúc này là những nghiên cứu mang tính ứng
dụng và chương trình đầu tiên mà Hòa cùng những đồng nghiệp mình làm là
đưa ra những mô hình cho chương trình nghiên cứu phòng trừ dịch hại
tổng hợp. Rồi những câu hỏi của người nông dân, những chương trình trực
tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình... Tất cả đang là những công
việc hằng ngày của một tiến sĩ nghề cây ăn quả.
“Tôi từng là nông dân, lớn lên trên đồng ruộng. Tôi
hiểu người nông dân cần gì. Những câu hỏi của họ là bắt buộc phải nhiệt
tình trả lời, không có cách nào khác để anh thoái thác. Cái gì biết bảo
biết, cái gì chưa biết bảo mình sẽ nghiên cứu lại.
Ở Ấn Độ, những nghiên cứu về nông nghiệp gần như đã
hoàn chỉnh và tầm mức những nghiên cứu của họ sánh ngang với bất kỳ nước
phát triển nào, nhưng hình như xã hội Ấn có những đặc thù khác khiến
những nghiên cứu ấy chưa đi vào đời sống sâu lắm. Còn ở VN, những nghiên
cứu sẽ mang tính ứng dụng thực tế nhiều hơn.
Tôi học ngành bệnh học với đề tài nghiên cứu sâu về
virus trong bệnh học cây trồng nhưng cái học đó khó thực hiện trong môi
trường VN hiện tại. Trong khi chờ đợi thiết bị kỹ thuật, cách tốt nhất
là lăn xả vô vườn ruộng thực hiện các đề tài về sâu bệnh, đến với người
nông dân để nghe họ nói và chuẩn bị mọi tư thế, khi có một căn bệnh lạ ở
một vùng trái cây đang độ chín hay ra hoa, mình có thể nhào tới nghiên
cứu tại chỗ để hạn chế hậu quả thất thu cho miệt vườn... Vậy là sướng
rồi”.
* * *
Hỏi nhờ một đường truyền gửi mail về cơ quan, tôi mới
biết thêm một chi tiết: thì ra tại một viện nghiên cứu khoa học lớn như
thế này, người ta vẫn chưa có đường truyền ADSL. Mà đâu chỉ có ADSL,
hàng loạt “đường truyền” khác từ lương bổng cho tới đời sống, có quá
nhiều thứ hoặc trì níu người ta xuống hoặc kéo người ta đi.
Thật ra trong nỗi lo “trở về” của Hòa có lởn vởn câu
chuyện của những đồng nghiệp ở viện này viện nọ của đồng bằng đã về và
lại ra đi. Ngay tại vị trí mà anh ngồi, trước khi về một tháng, có một
đồng nghiệp đã bỏ trống trong sự hụt hẫng của viện trưởng Nguyễn Văn
Châu.
Nhưng biết làm sao, mảnh vườn của thời đại toàn cầu và những người nông dân cần cù vẫn đang trông chờ vào những người như anh.
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét